Ngay khi còn học Thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách khoa TP.HCM, chị Thạch Thị Chal Thi (SN 1989, dân tộc Khmer) đã lên sẵn kế hoạch đến khoảng 40 tuổi sẽ về quê Trà Vinh khởi nghiệp.
Duyên đến với hoa dừa
Chị Thạch Thị Chal Thi xuất thân từ một gia đình nông dân, cuộc sống chỉ biết trông vào ruộng lúa, vườn dừa. Chị thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ và bà con trồng dừa ở Trà Vinh.
Năm 2018, khi vừa lấy bằng Thạc sĩ của ngành công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách khoa TP.HCM, chị nhận được cuộc điện thoại của bố báo mùa dừa rớt giá thảm hại, thương lái chẳng buồn mua. Người nông dân dãi dầu nắng mưa, đến khi thu hoạch lại phải đối mặt với cảnh tượng đau lòng: Dừa phải đem nạo bán cho các quán kem để vớt vát, số còn lại để lâu mọc mầm thành cây…1200 trái dừa nhưng người nông dân chỉ có thu nhập được 2 triệu đồng. Chị xót xa cho bố mẹ và những người nông dân miền Tây. Điều đó, thôi thúc một Thạc sĩ công nghệ thực phẩm phải làm điều gì đó tăng giá trị cho cây dừa.
Chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu và biết các nước như: Thái Lan, Indonesia, Philippines… ngoài trồng dừa thu trái, còn thu mật từ hoa dừa bằng kỹ thuật mát-xa. Đáng nói, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã công nhận đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới, dựa trên 3 yếu tố là: Cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Từ một diện tích giống nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn từ 50-70% so với cây mía.
Nhớ lại quãng thời gian đầu khởi nghiệp, chị Chal Thi chia sẻ với PV ĐS&PL: “Lúc đó tôi đã tâm niệm, nếu làm thành công chắc chắn sẽ tạo ra nguồn thu nhập tốt từ hoa dừa. Tôi nhất định phải thành công, không được thất bại”.
Ban đầu, chị cùng chồng là anh Phạm Đình Ngãi và gia đình thí điểm mát-xa làm thông tuyến mật hoa trên 100 cây dừa. Đây là công việc vô cùng tỉ mỉ, phải dùng lòng bàn tay nóng xoa lên hoa dừa. Sau đó dùng cành cây nhỏ gõ lên hoa. Lực gõ phải đủ mạnh để tuyến mật bên trong mềm và thông. Nếu dùng lực mạnh quá thì hoa sẽ bị dập, phải bỏ đi. Nếu gõ lực nhẹ quá thì không đủ làm mềm tuyến mật bên trong, không ra mật được.
Suốt 6 tháng ròng rã, hàng trăm bông hoa bị cắt, nhưng không thu nổi lít mật nào. Không nản chí, chị kiên trì làm và rút kinh nghiệm. Mãi cho tới 1 năm 9 tháng sau đó, chị Chal Thi mới hoàn thiện được kỹ thuật và sản phẩm đường hoa dừa, mứt, siro từ mật hoa dừa…
Hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba
Từ ý tưởng, tâm huyết, tri thức học được… công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) thành lập vào tháng 7/2019. Tại Sokfarm, vùng nguyên liệu được trồng, canh tác và liên kết với các nông hộ Khmer theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.
“Sokfarm trong tiếng Khmer nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc. Doanh nghiệp hoạt động theo cách trân quý và biết ơn mọi thứ xung quanh. Hạnh phúc của những người nông dân là được leo cây dừa mỗi ngày, để thu những dòng mật ngọt”, chị Chal Thi chia sẻ.
Giải quyết được khâu kỹ thuật và sản phẩm, đến khi tiêu thụ chị Chal Thi lại gặp phải bài toán khó. Bởi thời điểm đó, người Việt chỉ biết đến mật ong, mật mía, chưa ai biết đến mật hoa dừa. Chị Chal Thi phải đi bán từng chai mật, chứ không phải từng thùng hay container. Chị tận dụng từng hội chợ, cuộc thi khởi nghiệp để giới thiệu sản phẩm.
“Tôi và chồng tin rằng, làm về thực phẩm là mình đang lấy sức khoẻ người thân của mình đi vay. Nếu làm tốt, sản phẩm chất lượng, chuẩn mực thì người thân xung quanh luôn bình an. Ngược lại, khi làm ăn gian dối, chính những người thân xung quanh bạn là người sẽ chịu hậu quả”, chị Chal Thi cho hay.
Việc luôn đảm bảo tính minh bạch giúp sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm tìm được kênh phân phối ổn định trên khắp cả nước. Hiện tại, doanh nghiệp của nữ Thạc sĩ đã tiếp cận được các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba và có được đại lý tại Nhật Bản.
Vào tháng 6/2021 khi dịch COVID-19 đang hoành hành, doanh nghiệp của chị Chal Thi gặp nhiều khó khăn vì không giao hàng được. Thị trường cứng ngắc, doanh số tụt 70% nhưng chị vẫn kiên trì, chuyển mọi thứ sang online. Nhờ đó, khách hàng vẫn biết đến sản phẩm trong mùa dịch. Sau khi dịch được kiểm soát, doanh số tăng trở lại 100%. “Dịch COVID-19 như một điều thách thức. Trong nguy có cơ hội, bắt buộc mình phải thay đổi và chiến thắng”, nữ Thạc sĩ nhấn mạnh.
Chị đặt mục tiêu Sokfarm sẽ là doanh nghiệp dẫn đầu về ngành mật hoa dừa tại Việt Nam và doanh thu sau này là nghìn tỷ. “Bởi vì khi mình đã muốn làm gì đó cho nhiều người, cho quê hương thì phải làm mạnh, phải phát triển hơn nữa”, chị cho hay.
Hoan hỉ vì làm công việc mình yêu, có hậu phương vững chắc
Vất vả làm việc liên tục từ 8h sáng cho đến đến đêm, chị Chal Thi vẫn dung hòa được với công việc và gia đình bởi chị luôn có ba mẹ ủng hộ, giúp chăm sóc con nhỏ.
Chồng chị là thạc sĩ điện công nghiệp nên hỗ trợ phần xây dựng nhà máy, máy móc. Chị phụ trách phần sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vùng nghiên liệu. Hai vợ chồng hỗ trợ qua lại, làm mọi thứ theo chuẩn thế giới nên doanh nghiệp phát triển khá nhanh.
Hơn hết, ở doanh nghiệp của chị, tất cả mọi người, ai cũng yêu công việc, ai cũng đồng lòng đi theo một hướng. Tất cả nhằm nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện kế sinh nhai cho nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh và các tỉnh miền Tây, cũng như tạo ra chuỗi sản phẩm đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Khi mình làm điều cảm thấy hạnh phúc thì mình thấy tuyệt vời lắm. Mình bận rộn cả ngày nhưng luôn hoan hỉ”, chị Chal Thi tâm sự.
Phương Quế
Nguồn: Đời sống và Pháp luật online
Mời bạn xem thêm một vài hình ảnh với giấy báo: