Học hỏi kinh nghiệm từ các già làng, hộ nông dân Khmer cách thu lấy mật hoa dừa, vợ chồng Đình Ngãi – Chal Thi ở Trà Vinh đưa đến những sản phẩm tốt cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm từ mật hoa dừa góp phần “đổi mới” và nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa trên miền quê nghèo.
Từ 1.200 trái dừa chỉ bán được… 2 triệu đồng
Ngày 17/7/2023, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia cho anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) với hai sản phẩm: mật hoa dừa và đường hoa dừa. Trước đó, ngày 3/7, vợ anh – chị Thạch Thị Chal Thi đại diện Sokfarm là một trong 30 tổ chức kinh doanh được vinh danh tạo tác động xã hội xuất sắc với phương pháp canh tác thích ứng biến đổi khí hậu. Cặp vợ chồng trẻ này đã chọn khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là cây dừa.
Thạch Thị Chal Thi, một cô gái Khmer ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh từ nhỏ đã hít thở hương dừa thơm mát. Những món ăn thức uống từ dừa đã thấm đẫm vào bữa ăn hằng ngày của Chal Thi. Trái dừa đã đi vào tiềm thức của Chal Thi nên chị hứa với lòng, lớn lên phải làm điều gì đó cho trái dừa thân yêu của quê hương mình. Bằng nỗ lực lớn, cô sinh viên Chal Thi tiếp tục học lên và lấy bằng thạc sĩ ngành công nghiệp thực phẩm tại Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Có công việc tại một doanh nghiệp ở thành phố từ sau ngày ra trường, đến một ngày năm 2018, Chal Thi không cầm được lòng khi nghe cha gọi điện báo 1.200 trái dừa khô chỉ bán được 2 triệu đồng. Giá cả như vậy không đủ bù đắp chi phí cũng như công lao động.
Chị trao đổi nỗi lòng với chồng, anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) thạc sĩ kỹ thuật điện Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đang công tác tại một công ty chế biến chocolate ở Tiền Giang. Nghe vợ nói, anh Ngãi suy nghĩ và đồng ý, chia tay với công việc đang làm để cùng về quê vợ. Hai mong ước bằng kiến thức học hỏi sẽ đem đến sự đổi mới cho trái dừa ở Trà Vinh, vùng trồng dừa lớn thứ hai của Việt Nam.
Nhưng phải làm gì để giá trị trái dừa được nâng lên? Nếu tiếp tục bán dừa tươi hay dừa khô như lâu nay thì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhu cầu của thị trường mà không đem đến một “dấu ấn thương hiệu” nào. Cả hai quyết tâm tìm hiểu và nhận ra mật hoa dừa được phát triển tại các nước trong khối ASEAN như Philippines, Thailand, Indonesia… Mà đây cũng từng là nghề cổ truyền của người Khmer Tây Nam Bộ.
Đến nhiều lần thất bại
Muốn thu mật từ hoa dừa, anh chị đã không quản ngại tìm tòi, học hỏi. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan” cả hai phải đối mặt thử thách khi thất bại nhiều lần, cùng với đó là ánh mắt nghi ngờ của những nông dân. Bà con sợ vườn dừa không còn sinh hoa kết trái. Nhưng bằng kiến thức được đào tạo, cộng với quyết tâm tìm “chìa khóa” nơi các già làng – những người lưu giữ kinh nghiệm gia truyền thu mật hoa dừa, đến một ngày, vợ chồng Chal Thi – Đình Ngãi đã vui sướng nhìn dòng mật hoa dừa được tiết ra.
Từ kết quả này, cả hai nhận ra, muốn thu được lượng mật dừa liên tục và ổn định, phải nắm “cơ chế” sinh trưởng, nuôi dưỡng và cả… nghỉ ngơi. Anh chị “chắt lọc” ra chế độ chăm sóc đặc biệt. Trước nhất, thường xuyên tưới nước giữ ẩm, kết hợp tăng cường phân bón hữu cơ. Đặc biệt, để dừa tiết nhiều mật, phải dùng tay massage làm nóng hoa dừa, dùng chày gỗ gõ nhẹ lên hoa thông tuyến mạch. Và, chỉ có thợ lành nghề mới biết tác động lực mạnh nhẹ ra sao, làm mạnh quá, hoa dừa bị giập mà nhẹ quá thì dừa không tiết mật được.
Ngoài ra, độ tuổi của hoa dừa cũng quyết định chất lượng mật, hoa non quá thì nước đục còn để hoa già quá thì dừa ra ít nước. Một cây dừa có thể thu mật hoa liên tục trong 9 tháng, sau đó nghỉ dưỡng ba tháng để phục hồi. Áp dụng đúng phương pháp này, hai anh chị Chal Thi – Đình Ngãi thu được nhiều mật hơn. Từ lúc bắt tay đến khi nắm được bí quyết, họ đã vượt qua khó khăn gần hai năm với lòng kiên trì bền bỉ.
Và lòng kiên trì này còn tiếp tục đi cùng họ ngay cả khi thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) tháng 9/2019. Bởi Sokfarm không gặt hái được lợi nhuận trong gần một năm. Người tiêu dùng vốn chưa biết đến chất tạo ngọt từ mật hoa dừa, do từ trước đến nay quen với đường mía hay mật ong. Muốn vậy, Sokfarm phải đem sản phẩm đến người tiêu dùng để họ có được trải nghiệm với vị ngọt này.
Lần này, lòng kiên trì tiếp tục đồng hành cùng họ khi tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Và theo thời gian, mật hoa dừa đã thu hút được niềm tin của người tiêu dùng. Sokfarm hiện cho ra đời các dòng sản phẩm khác nhau như: đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa Sokfarm, mật hoa dừa lên men, hạt ca-cao và mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa và giấm mật hoa dừa.
Theo anh Đình Ngãi: “Mật hoa dừa được sản xuất bằng công nghệ cô đặc chân không, chế biến sản phẩm ở nhiệt độ 55 – 60oC giúp giữ lại các chất dinh dưỡng, màu sắc và mùi vị tốt nhất”. Vợ anh, Chal Thi thì nói: “Mong muốn nâng cao giá trị kinh tế với ngành nghề phát triển bền vững và tạo ra chuỗi sản phẩm đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng, Sokfarm hoạt động theo cách trân quý và biết ơn mọi thứ chung quanh. Hạnh phúc của những người nông dân là được leo cây dừa mỗi ngày, để thu những dòng mật ngọt”.
Đây cũng là chất tạo ngọt bền vững nhất theo kết quả nghiên cứu năm 2013 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), dựa vào ba yếu tố: cải thiện kế sinh nhai, phù hợp biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Theo tính toán, với một diện tích như nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn 50-70% so cây mía.
Đầu tháng 8/2023, ba sản phẩm hữu cơ của Sokfarm: Mật hoa dừa – Đường hoa dừa – Giấm mật hoa dừa nhận giải thưởng Great Taste (Anh). Đây là một trong những chương trình kiểm định ẩm thực lớn và đáng tin cậy nhất thế giới.
Khát vọng Nông nghiệp hạnh phúc
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những hình thái thời tiết cực đoan tác động không nhỏ đến vùng đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Trà Vinh. Hiện xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng khoảng 80 km khiến nhiều loại cây trái không thể sống. Độ mặn 2‰ khiến cây sầu riêng rụng lá, 5‰ cây chết. Riêng dừa là loài cây có khả năng thích nghi cao, độ mặn 5‰ vẫn là điều kiện sống tốt của cây dừa, lên ngưỡng 15‰, trái dừa mới bị teo hoặc rụng trái, nhưng cây vẫn ra hoa đáp ứng việc thu mật. Nên việc chuyển đổi từ thu trái sang thu mật hoa hoàn toàn phù hợp tình hình xâm nhập mặn, nhất là các tỉnh giáp biển như Trà Vinh. Rễ dừa bám sâu vào lòng đất có thể giữ đất môi trường sống, giữ nguồn sinh kế cho hộ nông dân.
Hướng đi của Sokfarm tạo điều kiện ổn định vùng dừa hữu cơ, liên kết các hộ nông dân canh tác theo hướng bền vững bảo vệ môi trường, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Sokfarm chọn giống dừa Mawa (tên khoa học PB121) có độ tuổi thu mật hoa dừa từ 3 – 15 năm. Cứ 25 ngày cây dừa cho ra một hoa (một năm cho ra 13 hoa). Thu mật của một hoa suốt 25 ngày với 25 – 30 lít mật/hoa, thu luân phiên từ hoa này sang hoa khác.
Đặc biệt, mô hình này tạo ra hướng phát triển cho ngành dừa Trà Vinh, giúp tăng giá trị kinh tế cho hộ nông dân từ 3 – 5 lần, cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con. Những vườn dừa tạo ra những sản phẩm hữu cơ từ mật hoa dừa còn mở ra hướng du lịch sinh thái cho khách tham quan đến từ khắp nơi hưởng thiên nhiên ngọt lành. Từ suy nghĩ đổi mới vùng dừa quê nhà, đôi vợ chồng Phạm Đình Ngãi – Thạch Thị Chal Thi chắp cánh cho ước vọng của mình cũng như của các hộ nông dân trồng dừa Trà Vinh đưa sản phẩm từ mật hoa dừa vươn xa đến nhiều nơi trong và ngoài nước. Họ muốn xây dựng nông nghiệp hạnh phúc, đồng hành cùng các hộ nông dân trên mối quan hệ sáng tạo – chia sẻ – cộng đồng. Sự chứng nhận, vinh danh của các bộ, ngành, đơn vị trong nước và quốc tế khẳng định hướng phát triển vì cộng đồng của Sokfarm.