CategoriesNews

Báo Người lao động: Làm giàu từ mật hoa dừa

Các sản phẩm từ mật hoa dừa của vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi có mặt trên thị trường 3 năm nay, được người tiêu dùng đón nhận. Trong tương lai, đôi vợ chồng trẻ này còn dự định dùng mật hoa dừa để làm mỹ phẩm

Vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) – chị Thạch Thị Chal Thi (ngụ thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) nổi tiếng với sáng kiến “vắt” hoa dừa ra mật. Các sản phẩm từ mật hoa dừa của họ rất được ưa chuộng trên thị trường, thậm chí còn xuất khẩu sang một số nước.

Tăng giá trị kinh tế cho cây dừa

Anh Ngãi nhớ lại cơ duyên của vợ chồng mình với mật dừa: “Tôi là thạc sĩ điện công nghiệp, còn vợ là thạc sĩ về công nghệ thực phẩm. Hai vợ chồng đều làm giảng viên. Nhà vợ tôi ở Trà Vinh có khoảng 2 ha dừa, chừng 500 cây. Năm 2018, nhà vợ bán 1.200 trái dừa chỉ thu được 2 triệu đồng, tính ra mỗi trái chưa tới 2.000 đồng, quá thấp. Lúc ấy, tôi đang làm việc bên Tiền Giang thì vợ gọi sang: “Có cách nào tăng giá trị kinh tế cho cây dừa quê mình không anh?”. Câu hỏi đó cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí của chúng tôi”.

 

Chị Thi lên mạng internet tìm hiểu, thấy trên thế giới đã có nhiều quốc gia trồng dừa như Thái Lan, Philippines không chỉ thu trái mà còn lấy mật. Lúc này, chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam dùng mật hoa dừa để chế ra các sản phẩm.

 

“Mình có thể thử sức”, nghĩ thế nên chị Thi gọi chồng về để thử nghiệm trên vườn dừa ở quê nhà. “Chúng tôi mất 6 tháng nghiên cứu kỹ thuật kích thích bằng phương pháp massage (xoa bóp) lên bắp hoa dừa để lấy mật. Đọc hướng dẫn trên mạng và các tạp chí khoa học cũng nhiều nhưng khi chúng tôi bắt tay vào làm thì gặp lắm trở ngại, sai số rất nhiều. Nhưng càng làm sai thì càng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra cách thu được mật từ hoa dừa” – anh Ngãi hồ hởi.

 

Ngãi cho biết vợ chồng anh chỉ thu mật hoa từ những cây dừa cao từ 4 m trở xuống, còn cao hơn thì để ra trái. Cây dừa trồng 3-5 năm sẽ ra hoa. Để thu được mật đúng cách, người thợ phải chọn đúng độ tuổi của hoa, nếu không thì sẽ có lượng mật không như mong muốn. Mỗi hoa dừa cho mật liên tục trong 25 ngày, mỗi ngày 1 lít. Nếu so sánh giá trị kinh tế thì lấy mật hoa dừa sẽ cao hơn 3-4 lần so với để ra trái rồi bán. Với giá 10.000 đồng/lít mật, mỗi hoa dừa sẽ thu được 250.000 đồng nhưng nếu để ra trái thì chỉ bán được khoảng 50.000 đồng/chục (12 trái).

 

Thời gian gần đây, ĐBSCL thường xuyên bị xâm nhập mặn nhưng dừa là cây chịu đựng được biến đổi khí hậu và vùng đất ngập mặn. Những vùng quá mặn, cây dừa sẽ bị rụng trái nhưng hoa vẫn cho mật. Đây cũng là hướng đi mới cho người trồng dừa.

thu mat

Người dân được chuyển giao kỹ thuật massage hoa dừa lấy mật

Chế biến đa dạng sản phẩm hữu cơ

Sau khi có mật hoa dừa, vợ chồng anh Ngãi tiếp tục nghiên cứu cách chế biến để cho ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu độc đáo này.

 

Tháng 6-2019, đôi vợ chồng trẻ này vay vốn ngân hàng, xây nhà xưởng và thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm). Các sản phẩm từ mật hoa dừa của Sokfarm được tung ra thị trường: nước uống, giấm, đường, mật hoa dừa lên men, mật hoa dừa cô đặc… bán rất chạy, nhất là trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19.

 

Anh Ngãi cho biết mật hoa dừa giàu khoáng chất, giúp cơ thể cân bằng điện giải và bổ sung năng lượng rất tốt. Vì vậy, trong thời điểm dịch Covid-19, các sản phẩm của công ty anh bán rất chạy. Trong năm 2021, Sokfarm bán được 200.000 đơn vị sản phẩm. Dự kiến trong năm 2022, công ty sẽ xuất bán khoảng 20.000 đơn vị sản phẩm/tháng.

 

Người dân trồng dừa từ xưa đến nay đều không phun thuốc bảo vệ thực vật như các loại cây ăn trái khác nên sản phẩm của Sokfarm đi theo hướng organic (hữu cơ). Đối với các sản phẩm của mình, công ty không dùng chất bảo quản, chất định hình hay chất chống lắng. Các sản phẩm mật tươi, chưa qua tiệt trùng nếu được bảo quản cấp đông thì dùng được trong 6 tháng; còn để ngăn mát tủ lạnh sẽ dùng được 2 tuần. Riêng sản phẩm mật hoa dừa cô đặc hoặc giấm, đường làm từ mật hoa dừa có thể để được 2 năm.

 

Sokfarm đang liên kết với 17 hộ dân có 6 ha đất trồng dừa. Công ty chuyển giao kỹ thuật kích thích hoa dừa lấy mật và bao tiêu đầu ra từ 9.000-15.000 đồng/lít mật, tùy thời điểm. Trong năm nay, Sokfarm sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai thêm 30 ha trên vùng dừa organic và sẽ cho ra nhiều sản phẩm mới: nước tương mật hoa dừa, nước rửa rau củ, đường hoa dừa nén viên…

 

“Theo định hướng sắp tới, công ty sẽ dùng mật hoa dừa để làm mỹ phẩm. Mật hoa dừa chứa rất nhiều chất khoáng, lên men nhanh có thể làm sản phẩm xịt bù khoáng, dưỡng ẩm cho da. Trong tương lai, chúng tôi định hướng Sokfarm là doanh nghiệp dẫn đầu về ngành mật hoa dừa tại Việt Nam” – anh Ngãi kỳ vọng. 

Vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi – chị Thạch Thị Chal Thi

Đầu tư chất lượng để xuất khẩu

Do học về ngành công nghệ thực phẩm nên ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, ngoài việc sử dụng nguyên liệu hữu cơ, vợ chồng anh Ngãi còn đầu tư để đạt nhiều chứng nhận chất lượng, như tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP. Các sản phẩm của Sokfarm đã xuất đi Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc. Để nâng cao chất lượng mật, năm nay, Sokfarm sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án nghiên cứu các tác nhân ảnh hưởng đến mật hoa dừa. Nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí hoặc bài báo khoa học của thế giới.

chang-duong-khoi-nghiep-của-sokfarm, mat-hoa-dua-sokfarm, khoi-nghiep, SME-tra-vinh, canada, cau-chuyen-thanh-cong
Leave a Reply